KINH TẾ - CHÍNH TRỊ KINH TẾ - CHÍNH TRỊ

NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Ngày đăng 05/12/2022 | 14:46  | Lượt xem: 123

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là: "Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045".

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên đây, Trung ương yêu cầu, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, phải luôn luôn bám sát và nắm vững Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước ta theo các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo sau đây:

Một là, Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, Thực hiện nhất quán nguyên tắc: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và sự giám sát của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ba là, Bảo đảm yêu cầu: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa; thể chế hoá kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Bốn là, Bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và chế độ xã hội chủ nghĩa

Năm là, Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa đủ rõ, chưa chín, còn nhiều ý kiến khác nhau thì khẩn trương nghiên cứu, thực hiện thí điểm, tổng kết thực tiễn để làm rõ, từng bước hoàn thiện, mở rộng; những chủ trương đã thực hiện, nhưng thực tiễn khẳng định là không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả.

Ban Chấp hành Trung ương cho rằng, xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước theo những phương hướng nói trên là một quá trình, với những bước đi tích cực, vững chắc, đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, gắn với đổi mới và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trước mắt, cần tập trung sức thực hiện một số chủ trương và nhiệm vụ quan trọng: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác lập pháp; Cải cách nền hành chính Nhà nước; Đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án và các cơ quan Tư pháp; Phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Trong đó đặt trọng tâm vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật; cải cách nền hành chính Nhà nước, nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước được hiện đại hoá để thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; sự quản lý có hiệu lực và hiệu quả cao công việc của Nhà nước; phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, thực hiện bằng được mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐÀNG CỘNG SẢN VIỆT NAM న HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU KHOÁ XIII'