TIN TỨC HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA PHƯỜNG TIN TỨC HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA PHƯỜNG

PHƯỜNG NGÃ TƯ SỞ KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH: ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, DÂN CHỦ, TẠO SỰ THỐNG NHẤT, ĐỒNG THUẬN TRONG NHÂN DÂN
Publish date 28/03/2024 | 10:52  | View Count: 91

 

 

1. Sự cần thiết của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã

* Cụ thể hóa và thực hiện chủ trương

Nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

* Xuất phát từ tình hình thực tiễn

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; quận Đống Đa có 19/21 đơn vị hành chính cấp xã (19 phường) không đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 ngày 22/9/2022, trong đó:

- 05 phường có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn đơn vị hành chính tương ứng theo quy định.

- 14 phường đồng thời tiêu chuẩn diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn đơn vị hành chính tương ứng theo quy định.

* Yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp phường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhằm tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao đời sống, giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc; tạo động lực cho các phường chủ động trong việc sắp xếp, bố trí cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Cả hệ thống chính trị phường Ngã Tư Sở đang tích cực vào cuộc, triển khai, bám sát các yêu cầu, nội dung, đảm bảo đúng lộ trình Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của quận Đống Đa.

2. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn phường Ngã Tư Sở

Phường Ngã Tư Sở có diện tích tự nhiên 0,23 km2, quy mô dân số 7121 người. Theo Đề án, tại quận Đống Đa, sẽ nhập 6 phường thành 4 phường, giảm 2 phường. Trong đó, lấy tim đường Tây Sơn làm điểm phân chia, phường Ngã Tư Sở sẽ:

*  Nhập một phần diện tích tự nhiên (0,09 km2, đạt 1,64% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số (2476 người, đạt 16,51% so với tiêu chuẩn) vào phường Khương Thượng (có diện tích tự nhiên là 0,34 km2, đạt 6,18% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 13.251 người, đạt 88,34% so với tiêu chuẩn).

Kết quả sau sắp xếp thì phường mới có:

- Diện tích tự nhiên 0,43 km2 (đạt 7,82% so với tiêu chuẩn).

- Quy mô dân số 15.727 người (đạt 104,85% so với tiêu chuẩn).

- Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới: đặt tại phường Khương Thượng (Số 388 Đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội).

- Tên gọi ĐVHC sau khi sắp xếp: Phường Khương Thượng

 *  Nhập một phần diện tích tự nhiên (0,14 km2, đạt 2,55% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số (4645 người, đạt 30,97% so với tiêu chuẩn) vào phường Thịnh Quang (có diện tích tự nhiên là 0,45 km2, đạt 8,18% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 15.948 người, đạt 106,32% so với tiêu chuẩn).

Kết quả sau sắp xếp thì phường mới có:

- Diện tích tự nhiên 0,59 km2 (đạt 10,73% so với tiêu chuẩn).

- Quy mô dân số 20.593 người (đạt 137,29% so với tiêu chuẩn).

- Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới: đặt tại phường Thịnh Quang (số 151 ngõ Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội).

- Tên gọi ĐVHC sau khi sắp xếp: Phường Thịnh Quang

 

3.  Đối tượng, phạm vi lấy ý kiến

- Đối tượng cử tri lấy ý kiến là công dân đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú tại địa phương, có từ đủ 18 tuổi trở lên, sinh ngày 29/3/2006 trở về trước.

- Phạm vi, nội dung lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri về việc nhập, điều chỉnh một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Thịnh Quang; nhập, điều chỉnh một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Khương Thượng; tên gọi ĐVHC mới sau sắp xếp.

 

4. Thời gian tổ chức lấy ý kiến

- Thời gian lấy phiếu ý kiến: Từ ngày 30/3/2024 đến 02/4/2024 (các Tổ lấy phiếu hoàn thành lấy phiếu trong 02 ngày cao điểm là 30,31/3/2024)

- Thời gian các Tổ lấy phiếu hoàn thành biên bản gửi về UBND phường: Trong ngày 02/4/2024

 

5. Quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc lấy ý kiến

- Mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia lấy ý kiến.

- Sau khi nhận phiếu, cử tri nghiên cứu xem xét cho ý kiến vào ô “đồng ý” hoặc “không đồng ý” vào mỗi mục trên phiếu; hoặc có ý kiến khác vào phần “ý kiến khác…”, sau đó ký tên (hoặc điểm chỉ nếu cử tri không biết chữ) trên phiếu.

- Trường hợp cử tri không biết chữ hoặc không biết tiếng Việt, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ

- Sau sát nhập, việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC được miễn phí theo hướng dẫn tại Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 của Bộ Tài chính và quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND Thành phố Hà Nội.

Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày một tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân. Sự đồng thuận của mỗi cử tri trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập ĐVHC của Đảng và Nhà nước góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước với mục tiêu phát triển bền vững./.